Franchise là gì? Tìm hiểu về mô hình kinh doanh franchise

Trong các mô hình kinh doanh hiện nay, franchise là mô hình nhận được nhiều sự quan tâm và sử dụng, đặc biệt là những người mới bắt đầu kinh doanh. Vậy franchise là gì? Mô hình kinh doanh có cách thức hoạt động như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Franchise là gì?

Franchise, hay còn gọi là Nhượng quyền thương mại, là một hình thức kinh doanh trong đó một bên cấp phép cho một bên khác được sử dụng thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh của họ. Đổi lại, bên được nhượng quyền sẽ trả một khoản chi phí nhượng quyền ban đầu hoặc các khoản phí định kỳ, có thể là phần trăm doanh thu, tuỳ theo thoả thuận giữa hai bên.

Trong mô hình kinh doanh này, bên nhượng quyền được gọi là franchisor, thường là chủ doanh nghiệp ban đầu đã phát triển một mô hình kinh doanh hay thương hiệu thành công. Bằng cách nhượng quyền, họ cho phép những bên khác được phép sử dụng thương hiệu của họ ở những địa điểm mới, mở rộng phạm vi tiếp cận của thương hiệu trong khi vẫn duy trì tính nhất quán và chất lượng.

Ngoài ra, bên được nhượng quyền gọi là franchisee. Đây là bên mua quyền được hoạt động dưới tên thương hiệu của franchisor. Bằng cách bỏ ra khoản chi phí đầu tư ban đầu, franchisee nhận được cách thức đào tạo, hỗ trợ và quyền được sử dụng mô hình kinh doanh đã được chứng minh thành công trên thị trường.

Sức mạnh của mô hình kinh doanh franchise

Franchise cho đến nay vẫn được xem là một lựa chọn hấp dẫn bởi mô hình này đem lại nhiều lợi ích cho người muốn bắt đầu hoạt động kinh doanh mà không muốn có quá nhiều rủi ro. Sau đây là một số điểm mạnh nổi bật của mô hình kinh doanh nhượng quyền:

1.   Thành lập doanh nghiệp mới nhanh chóng

Nếu bạn mơ ước được điều hành một doanh nghiệp nhưng lại lo ngại việc, không biết  bắt đầu xây dựng một thương hiệu mới hoàn toàn thì franchise là mô hình kinh doanh bạn nên cân nhắc. Những người mới chưa có kinh nghiệm kinh doanh có thể đạt được thành công, tuy nhiên, tên thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường có thể đi vào hoạt động ổn định nhanh chóng hơn.

2.   Nhận được sự hỗ trợ và đào tạo

Thông thường, bên nhượng quyền sẽ cung cấp đầy đủ các chương trình đào tạo và hỗ trợ cho các bên nhận nhượng quyền. Điều này không chỉ bao gồm hướng dẫn về quy trình vận hành mà còn hỗ trợ tiếp thị và chiến lược phát triển kinh doanh. Việc nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ chính những người sáng lập thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và công sức đáng kể trong việc tìm hiểu, đồng thời giảm thiểu rủi ro và chi phí. Đặc biệt, đối với những chủ doanh nghiệp mới, việc này giúp hạn chế tối đa các sai sót và thử nghiệm tốn kém, giúp bạn nhanh chóng vươn tới thành công mà không phải loay hoay bắt đầu từ con số không.

3.   Sử dụng thương hiệu nổi tiếng

Việc hoạt động dưới một thương hiệu đã được chứng minh thành công trên thị trường mang lại cho bạn lợi thế to lớn từ sự hiện diện sẵn có. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ tiết kiệm được đáng kể thời gian và chi phí cho các hoạt động tiếp thị và xây dựng uy tín thương hiệu, vì thương hiệu đã được công nhận và tin tưởng bởi một lượng khách hàng nhất định. Nhờ đó, bạn có thể nhanh chóng tiếp cận và thu hút khách hàng mà không phải bắt đầu từ con số không.

Những hạn chế tiềm ẩn của mô hình nhượng quyền

1.   Ít tự do và bị kiểm soát

Khi bạn hoạt động dưới mô hình franchise, doanh nghiệp của bạn sẽ hoạt động kinh doanh theo một số quy tắc mà bên nhượng quyền đặt ra. Điều này để đảm bảo thương hiệu giữ được tính đồng nhất dù hoạt động ở các địa điểm khác nhau. Các quy định thường liên quan đến cách bán, lưu trữ và quảng bá sản phẩm, dịch vụ đã cung cấp. Ngoài ra, một số thương hiệu còn có quy định về cách xử lý khiếu nại, quản lý nhân viên hay cách bày trí cửa hàng. Nếu bạn là một người thích tự do và sáng tạo trong hoạt động kinh doanh thì đây có thể là một trở ngại không nhỏ nếu muốn hoạt động lâu dài.

2.   Chi phí mua nhượng quyền tốn kém

Chi phí ban đầu khi tham gia mô hình nhượng quyền thường khá lớn, vì bạn không chỉ phải trả phí quyền sử dụng thương hiệu mà còn phải đầu tư vào cơ sở vật chất như cửa hàng và văn phòng. Mức phí bản quyền này thay đổi tùy thuộc vào độ nổi tiếng và sự thành công của thương hiệu, cũng như loại hình kinh doanh mà họ đang triển khai.

Thông thường, nếu bạn chọn nhượng quyền từ những thương hiệu nổi tiếng và thành công, chi phí sẽ cao hơn đáng kể. Ngược lại, những thương hiệu có giá nhượng quyền thấp thường là các thương hiệu mới ra đời, chưa có nhiều kinh nghiệm và thành tựu, điều này đồng nghĩa với việc rủi ro cũng cao hơn so với việc đầu tư vào các thương hiệu lớn, đã được chứng minh.